Bộ Sưu Tập Câu Chuyện
Phép Màu Luôn Hiện Hữu Quanh Ta
PHÉP MÀU LUÔN HIỆN HỮU QUANH TA
Cụ Moraitis sinh năm 1911. Khi được 65 tuổi, cụ bỗng dưng cảm thấy khó thở khi đi cầu thang cũng như làm những việc lặt vặt. Kết quả chẩn đoán của bác sĩ khẳng định cụ đã mắc ung thư phổi.
Cụ đã đến khám ở 9 bác sĩ khác nhau và tất cả đều có chung một chẩn đoán. Các bác sĩ tiên lượng cụ chỉ sống được từ 6-9 tháng.
Lúc đó, cụ Moraitis cân nhắc giữa việc điều trị ung thư ở Mỹ, được gần vợ con hay trở về quê hương ở Hy Lạp. Chi phí tang lễ ở Mỹ khá đắt, tiêu tốn đến hàng nghìn USD, trong khi ở Hy Lạp chỉ khoảng 200 USD.
Cụ muốn để lại tiền hưu trí của mình cho vợ nên đã thu dọn hành lý trở về hòn đảo quê hương Ikaria ở Hy Lạp. Tại đây, ông bà, cha mẹ cụ đã sống, qua đời và được chôn cất tại một nghĩa trang rợp bóng cây sồi nhìn ra Biển Aegean.
Cụ quyết định sống những ngày tháng cuối đời mình tại đảo Ikaria. Điều này có nghĩa là cụ đã từ chối mọi liệu pháp trị ung thư, từ hóa trị đến thuốc uống. Khi trở về quê hương, cụ sống gần gũi với thiên nhiên, ăn rau củ, trái cây mình tự trồng và hòa nhập với mọi người.
Trong những ngày tháng gần kề cái chết đó, cụ Moraitis chỉ quan tâm đến mảnh vườn của mình và vườn nho gia đình. Sau 6 tháng trôi qua, cụ Moraitis vẫn không chết. Thậm chí, cụ còn thấy mình khỏe hơn. Cuối cùng, cụ đã sống đến 37 năm sau khi bị chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối.
Cụ Moraitis qua đời vào ngày 3-2-2013 vì tuổi già chứ không phải vì ung thư.
Câu chuyện của cụ Moraitis đã được truyền thông thế giới chú ý. Thông điệp sống của cụ đến nay vẫn đầy ý nghĩa. Đó là lối sống gần gũi với thiên nhiên và ăn uống lành mạnh.
Theo: Greek Reporter
—
P.S: Ung thư không phải là bệnh. Trở về với lối sống thuận tự nhiên là cách chữa lành tốt nhất.
Ăn Mày Cửa Phật
Có một ông lão kéo một xe gạo nặng nề, đang lê bước trên đường, vừa đi vừa thở hổn hển, trông có vẻ rất mệt, bánh xe chao đảo va vào một cục đá bên đường, làm cả xe gạo đổ nhào xuống hết… Ông lão cố hết sức nâng xe gạo lên, nhưng trong tình thế bất lực và mệt mỏi, mồ hôi nhễ nhại, trời thì nắng chang chang… Thế là ông ngồi bệch xuống đất luôn…
Trong khi nhìn xung quanh, ông thấy một ngôi chùa, bên ngoài ngôi chùa là những chiếc xe ô tô đang dựng san sát nhau. Trước cảnh tượng nhìn thấy như vậy, vẻ mặt ông có vẻ đăm chiêu và phiền não. Ông suy nghĩ và nói thầm: “Người vừa sinh ra thì đã giàu có, kẻ làm lụng vất vả cả đời lại chẳng có gì!”
Một người Phật tử nghe thấy và nói: “Ông đã đến cửa Phật sao không vào thành tâm cầu nguyện, lại ngồi đây than thân trách phận! Ông có thấy chùa Phúc Lai bên kia đường không?” Cô gái chỉ, ông lão dõi mắt nhìn theo …
“Tôi nghe bảo chùa đó rất thiêng, chả thế mà khách thập phương cứ kéo đến ùn ùn… Ông xem kìa, ô tô đậu san sát trước cổng chùa!”
Theo lời chỉ dẫn tận lòng của cô gái, ông lão nhờ cô gái trông giúp mình xe gạo và bước từ từ vào bên trong chùa theo tiếng chuông ngân… Đứng trước mắt ông là cảnh tượng một số người khác nhau chắp tay và đang lảm nhảm cái gì đó trong miệng không biết ? Khói nhang thì lan tỏa nhiều nơi…
Đứng từ xa nhìn ông có vẻ ngơ ngác, một vị tăng bước tới và nói: “Thí chủ lần đầu tiên đến đây phải không?”
Ông lão: “Vâng! Thưa Thầy, lần đầu con đến nơi cửa Phật nên chẳng biết cầu nguyện ra làm sao mong Thầy chỉ dạy…”
Vị tăng: “Thí chủ thỉnh cầu điều gì?”
Ông lão quay nhìn những người kia và nói: “Con cầu xin đức Phật ban phát sự công bằng!”
Vị tăng: “Công bằng ư?”
Ông lão: “Vâng! Thưa Thầy… Con sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, bần hàn, không được học hành tử tế, từ bé đã phải tự mưu sinh… Lớn lên lấy một người vợ nghèo và nai lưng làm lụng như trâu bò, để nuôi bầy con nheo nhóc. Cuộc đời khốn khổ cơ hàn cứ thế bám theo con dai dẵng… Trong khi, có biết bao nhiêu người khác sinh ra trong một gia đình giàu sang, chẳng cần cố gắng mà vẫn sống suốt đời trong nhung lụa… Như vậy, không công bằng! Nếu đức Phật linh thiêng, xin Người hãy ban cho con một ít may mắn của những người kia!”
Vị Tăng: “Như người kia ư?”
Ông lão: “Chỉ cần nhìn họ là đủ biết họ giàu sang quý phái cỡ nào rồi! Nhưng người nghèo khổ như con không thể hiểu nổi họ làm gì mà giàu sang lắm vậy?”
Vị Tăng: “Cái đó ta không biết! Nhưng khi tới đây họ cũng chỉ là ăn mày cả thôi!”
Ông Lão: “Ăn mày ư, thưa Thầy?”
Vị Tăng: “Đúng! Ăn mày Cửa Phật…”
Ông Lão: “Nhưng nhìn họ giàu sang quý phái có thiếu gì mà phải đi ăn mày?”
Vị Tăng: “Sống trên cõi đời này mấy ai thỏa mãn với những gì mình đang có. Không tin, Thí chủ cứ lại gần họ xem!”
Ông lão tò mò đi tới gần mọi người, ép sát và lắng tai nghe thử họ đang nói gì…
– Một anh chàng thanh niên lớn tuổi mặc áo vest, thắt cà vạt trong rất chỉnh tề và lịch sự nói: “Cầu xin đức Phật cứu giúp công ty con khỏi bị phá sản; hàng trăm gia đình công nhân đang trông chờ vào công ty, đang trông chờ vào sự chèo lái của con… Mô Phật!”
– Một người phụ nữ bên cạnh lớn tuổi khóc thút thít và nói: “Xin Người rũ lòng từ bi cho con sức mạnh để chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác… Xin Người đừng để con phải chịu những cơn đau hành hạ, dày vò… “
– Một cô gái trẻ tuổi đứng gần đó khuôn mặt có vẻ buồn rầu ủ rủ cũng nói: “Năm nay con đã gần 30 tuổi, mà vẫn chưa có người yêu thương… Con vô cùng buồn tủi, con chỉ xin Ngài linh thiêng cho con chút dung mạo để con tìm được một tấm chồng… Xin Người ban phước… Mô Phật!”
Ông lão nghe những lời ấy mà lòng cảm động rơi nước mắt… Ông nói lên một tiếng: “Tội nghiệp quá!” Và đứng dậy bỏ đi tới chỗ vị tăng ngồi.
“Thưa Thầy, họ cầu xin rất nhiều điều, hóa ra họ toàn là ăn mày thật… Con cứ nghĩ trên đời này ai cũng hạnh phúc hơn con, chứ ai biết được họ cũng có nhiều nỗi khổ đến thế! Ngẫm ra con còn có nhiều điều hơn họ như: Sức khỏe, sự vô tư chẳng hạn…”
Vị Tăng nói: “Đúng vậy! Cuộc đời công bằng với tất cả mọi người… An phận với thực tại và cố gắng hết sức mình để tự mình hóa giải những khó khăn trong cuộc sống. Đó mới chính là một cuộc đời hoàn mỹ!”. Ông Lão nghe xong tỉnh ngộ. Tiếng chuông vẫn vang trong không gian ngày một xa dần…
_______
Nguồn: Sưu tầm
Ảnh: nguyencongthuc.com
Cây Tre & 3 Bài Học Quý Báu
Hãy thử trồng một cây tre. Bạn gieo giống xuống đất, chăm sóc, tưới nước chu đáo mỗi ngày. Và bạn chờ đợi…
Một năm trôi qua. Trong khi trăm hoa đua nở rồi tàn thì giống tre của bạn vẫn nằm im không động tĩnh. Bạn vẫn tiếp tục chăm sóc, và đợi thêm một năm nữa.
Nhưng đến năm thứ 2 bạn cũng không thấy gì, năm thứ 3 cũng không thấy gì, năm thứ 4 cũng không thấy gì… Bạn sẽ làm gì đây?
Hãy đợi thêm một năm nữa. Vào năm thứ 5, bạn sẽ thấy măng nhú lên, và chỉ trong vòng 6 tuần, cây tre của bạn đã vụt cao 27 mét.
Điều này cho ta thấy những bài học gì?
Bài học 1: Sự nhẫn nại
Có rất nhiều người không nhẫn nại. Họ làm một việc gì đó và muốn có kết quả tức thời. Khi mọi thứ không như mong đợi, họ dễ dàng từ bỏ.
Hãy biết kiên nhẫn. Khi gieo giống tre xuống đất, bạn phải không ngừng chăm sóc cho nó. Nếu không thấy kết quả mà ngừng chăm sóc, thì 5 năm sau bạn không thu hoạch được gì.
Nếu bạn không kiên nhẫn mà muốn có kết quả ngay? Tưởng tượng xem hôm nay bạn gieo giống, và muốn thu hoạch vào ngày hôm sau thì bạn sẽ thu được gì: Hạt giống của ngày hôm qua!
Có những lúc bạn nỗ lực và không thấy kết quả gì, bạn sẽ chán nản. Những lúc ấy hãy nhớ rằng bạn đang tiến bộ lên mỗi ngày, chỉ vì bạn chưa nhận thấy đó thôi. Hãy bền bỉ. Đừng từ bỏ!
Bài học 2: Niềm tin
Hãy giữ vững niềm tin của bạn. Suy cho cùng sự kiên nhẫn bền bỉ mà bạn có cũng đều cần có niềm tin nuôi dưỡng nó.
Khi không nhìn thấy tre mọc, bạn sẽ rất dễ hoang mang và mất niềm tin. Mất niềm tin nghĩa là bạn đã đi gần đến thất bại.
Niềm tin giúp bạn gạt qua nỗi sợ hãi, nghi ngờ. Và là khơi nguồn để biến giấc mơ của bạn thành sự thật.
Bài học 3: Xây dựng gốc rễ vững chắc
Hãy hình dung cây tre vươn cao 27 mét chỉ trong vòng 06 tuần. Làm sao điều đó có thể xảy ra được?
Vì nó đã dành đủ thời gian cần phải bỏ ra để phát triển bộ rễ. Muốn có kết quả lớn, phải đầu tư công sức đủ nhiều. Không có gì vẻ vang bạn gặt hái được lại nhẹ nhàng cả.
Chỉ có bạn mới biết được bạn đang phát triển như thế nào. Hãy an nhiên đi con đường của bạn. Đừng quay cuồng nhìn con đường của người khác, hối hả chạy theo thành quả bề nổi mà quên cái chất lượng cốt lõi bên trong. Trong khi bạn chưa có gì trong tay, người khác có thể đã đạt được nhiều thành tựu trước bạn. Nhưng càng như thế bạn càng cần phải trang bị cho bản thân thật vững vàng. Khi nội lực đủ mạnh, con đường thành công tự khắc sẽ hanh thông.
Cây tre đã dành ra đến gần 5 năm, chỉ để làm một việc là cắm sâu bộ rễ của nó vào trong lòng đất, vì vậy mà đến năm thứ 5 nó mới mọc nhanh chóng như vậy. Con người cũng vậy, để thành công, đầu tiên cần phải dành thời gian để xây dựng gốc rễ thật tốt, cắm thật sâu, thật chắc chắn thì việc phát triển là chuyện sớm muộn mà thôi.
_____
Nguồn: Sưu tầm
Ảnh: nguyencongthuc.com
Định Luật Hoa Sen: Bạn Đã Đủ Kiên Trì & Nỗ Lực?
Trong một đầm sen, ngày đầu tiên, hoa nở rất ít, đến ngày thứ hai, số hoa nở gấp đôi ngày thứ nhất và sau đó cứ mỗi ngày, hoa sen đều nở thêm với số lượng gấp đôi ngày trước đó.
Nếu như đến ngày thứ 30, hoa sen nở đầy một khu đầm thì vào ngày thứ bao nhiêu, hoa sen trong đầm nở được một nửa.- Câu trả lời liệu có phải là ngày thứ 15? - Sai. Câu trả lời là ngày thứ 29!
Tại sao lại như vậy? Thực ra, đây là một câu chuyện mang tính chất hình ảnh để nói lên Định luật hoa sen nổi tiếng hay còn gọi là quy luật 30 ngày.
Cuộc đời của rất nhiều người giống như hoa sen trong cái đầm kia, ở thời điểm bắt đầu, chúng ta ra sức làm, dốc sức làm, giống như hoa sen kia ra sức nở…
Nhưng dần dần, chúng ta bắt đầu như những cánh hoa, cảm thấy khô héo mệt mỏi, thậm chí là chán chường, có thể ở ngày thứ 9, thứ 19 hay thậm chí là cố đến hết ngày thứ 29, chúng ta bỏ cuộc, chấm dứt mọi nỗ lực, kiên trì, khí thế lúc đầu.
Và khi đó, chúng ta cách thành công chỉ một ngày hay chỉ một bước chân.
Ở đây, quy luật hoa sen đã cho chúng ta biết một đạo lý rằng: Để có thể nỗ lực đến bước cuối cùng, thứ mà mỗi chúng ta cần phải có không phải là vận may hay trí thông minh, mà đó là NGHỊ LỰC.
Có nghị lực và không có nghị lực, kiên trì đến cùng và không kiên trì đến cùng, kết quả được tạo ra khác nhau rất xa.
Cuộc đời chúng ta cũng giống như việc chúng ta đi xe đạp vậy, chỉ cần ta không duy trì việc đạp pedal nữa, xe sẽ đổ.
Thế nên, nếu muốn xe vẫn bon bon chạy về phía trước, nếu muốn trải nghiệm những điều thú vị ở con đường phía trước và nếu muốn đến đích, bạn không thể không kiên trì đạp xe đến cùng.
Hãy giữ cho mình tâm thái luôn luôn phấn đấu, nghị lực vươn lên, vượt qua mọi rào cản, bạn sẽ thấy cảnh đẹp đang đợi mình ở phía trước.
Triết gia người Mỹ Elbert Hubbard cũng từng có một nhận định tương tự như thông điệp mà định luật hoa sen muốn gửi gắm, đó là:
“Không biết đã bao nhiêu lần con người buông tay từ bỏ khi mà chỉ một chút nỗ lực, một chút kiên trì nữa thôi là anh ta sẽ đạt được thành công.”
Vậy nên, viên gạch cuối cùng, quyết định thành công ở đây chẳng phải là nghị lực, là sự bền bỉ, kiên trì sao?
Jack Ma – doanh nhân nổi tiếng người Trung Quốc cũng khẳng định, bỏ cuộc là thất bại lớn nhất đời người. Đây là một trong bốn điều mà ông đúc kết dành cho thế hệ trẻ, ba điều còn lại là:
– Kiên cường là gì: Một khi bạn đã kinh qua gian khó, uất hận và thất vọng, chỉ khi đó bạn mới hiểu được kiên cường là gì.
– Nghĩa vụ của bạn là: Siêng năng hơn, chăm chỉ hơn, và tham vọng hơn người khác.
– Chỉ kẻ ngu mới dùng miệng để nói. Người thông minh dùng trí óc, và người sáng suốt dùng trái tim.
Trong xã hội cạnh tranh hôm nay, dù làm bất cứ việc đi chăng nữa, có thể vượt qua, bạn sẽ trụ vững; không thể vượt qua, bạn sẽ bị đào thải.
Thiếu viên gạch cuối cùng là nghị lực, là sự kiên trì, đầu hàng trước khó khăn trên đường tiến bước, mọi công sức ban đầu bạn bỏ ra cũng chỉ là vô nghĩa và tất nhiên, bạn cũng đã đánh mất thành tựu, trái ngọt trong đời.
____
Nguồn: Sưu tầm
Ảnh: nguyencongthuc.com
Câu Chuyện Cái Kén & Con Bướm
Một cậu bé tìm thấy một cái kén bướm. Đến ngày nọ, một cái lỗ nhỏ xuất hiện. Cậu ngồi chăm chú theo dõi con bướm trong vài giờ đồng hồ khi nó vùng vẫy tìm cách chui ra ngoài qua cái lỗ nhỏ đó. Rồi dường như nó không có thêm một tiến triển nào nữa. Trông cứ như thể nó đã làm hết mức có thể rồi và không thể xoay xở gì thêm được.
Vì vậy, cậu quyết định giúp con bướm. Cậu lấy một cái kéo và cắt cái kén.
Khi ấy, con bướm dễ dàng thoát ra. Nhưng nó có một cái thân căng phồng và đôi cánh nhỏ bé, teo quắt.
Cậu bé tiếp tục quan sát con bướm bởi vì nó mong đợi rằng, đến một lúc nào đấy, đôi cánh của con bướm sẽ to lên và dang rộng ra để có thể nâng được phần thân, trong khi cùng lúc ấy phần thân sẽ nhỏ đi.
Chẳng có điều gì xảy ra cả! Trong thực tế, con bướm dùng cả cuộc đời còn lại của nó bò loanh quanh với một cái thân căng phồng và những chiếc cánh nhăn nheo. Nó không bao giờ có thể bay được.
Cậu bé, tốt bụng nhưng hấp tấp, đã không hiểu rằng chiếc kén chật hẹp và sự chật vật của con bướm để chui qua được cái lỗ nhỏ ấy chính là cái cách mà Tạo Hóa buộc chất lỏng trong thân con bướm chảy vào cánh để sẵn sàng cho nó cất cánh bay ngay khi nó thoát khỏi cái kén và giành được sự tự do.
Đôi khi, những cuộc đấu tranh chính xác là những gì chúng ta cần trong cuộc sống của mình. Nếu Tạo Hóa cho phép chúng ta trải qua cuộc sống mà không có bất kỳ trở ngại nào thì điều đó sẽ làm chúng ta trở nên “tàn tật”. Chúng ta sẽ không mạnh mẽ như đáng lẽ ra chúng ta đã có thể. Chúng ta sẽ không thể bay cao.
Khó ngăn, trở ngại là cách mà chúng ta rèn luyện nghị lực của bản thân. Chỉ có nỗ lực mới khiến con người mạnh mẽ.
_____
Nguồn: Sưu tầm
Ảnh: nguyencongthuc.com
Câu Chuyện "Đá Hóa Vàng" & Bài Học Về Cơ Hội
Câu chuyện kể về thời điểm thư viện vĩ đại tại Alexandria, Ai Cập bị cháy và chỉ duy nhất một quyển sách còn sót lại. Một người đàn ông bán quyển sách để lấy vài đồng bạc. Quyển sách không thí vị cho lắm, nhưng trong đó có một cuốn giấy bằng da viết về bí mật của “Đá Hóa Vàng”.
“Đá Hóa Vàng” là một viên đá cuội nhỏ có thể chuyển kim loại thường thành vàng nguyên chất. Đoạn văn trên nói rằng viên đá thử vàng có thể tìm thấy ở bờ Biển Đen, giữa hàng trăm ngàn viên đá cuội khác trông giống hết nó. Nhưng bí mật về viên đá thử vàng chính là khi ta chạm vào viên đá sẽ rất ấm, khác với những hòn đá cuội khác chạm vào rất lạnh.
Một người đàn ông nghèo khổ đã mua quyển sách với thông điệp ấy bên trong, ông đã bán tất cả tài sản ít ỏi mà ông có và đến bờ biển. Ông dự định sẽ làm giàu bằng cách tìm kiếm viên đá, một viên đá ấm áp khi chạm tay vào.
Người đàn ông hiểu rằng ông ta không thể cứ nhặt một hòn cuội lên, thấy nó lạnh, rồi lại ném đi; nếu làm như thế, ông có thể sẽ nhặt lại cùng một hòn đá hàng trăm lần. Kế hoạch của ông là khi nhặt một hòn cuội lên và thấy nó lạnh, ông sẽ ném nó ra biển. Làm thế, ông chỉ nhặt hòn cuội đó một lần duy nhất.
Người đàn ông dành cả ngày để nhặt những viên đá, nhưng không viên nào là đá thử vàng. Rồi một tuần, một tháng, một năm, ba năm, nhưng ông vẫn không thể tìm ra viên đá thử vàng. Tuy thế, ông vẫn quyết tâm, và ông tiếp tục nhặt đá, thấy chúng lạnh, và ném chúng ra biển.
Ông cứ tiếp tục lộ trình như thế, ngày qua ngày…
Cuối cùng, vào một buổi sáng đẹp trời, ông nhặt một hòn cuội lên, hòn cuội đó thật ấm và… ông ném nó ra biển. Đơn giản chỉ vì ông đã quen với việc ném đá ra biển, nên khi ông tìm thấy viên cuội ấm áp mà ông tìm kiếm, ông đã không nhận ra và lại ném nó đi.
Câu chuyện về viên Đá Hóa Vàng cũng giống như thái độ của chúng ta đối với CƠ HỘI vậy. Chúng ta khát khao và quyết tâm tìm kiếm nó nhưng nếu không thận trọng, khi cơ hội đến, chúng ta lại không nhận ra và rồi sẽ để vuột mất nó.
______
Nguồn: Sưu tầm
Ảnh: nguyencongthuc.com
Làm Sao Chia 5 Quả Cam Cho 6 Người
Một công ty đang tuyển vị trí Trưởng phòng nhân sự cho chi nhánh sắm mở. Trong buổi phỏng vấn, họ đưa ra một câu hỏi hóc búa cho 3 ứng viên tham gia:
“Nếu chúng tôi cho các bạn mỗi người 5 quả cam, làm thế nào để chia số cam đó cho 6 người một cách hợp lý, khiến tất cả 6 người đều vừa lòng?”
Ứng viên đầu tiên sau khi suy nghĩ rất kỹ thì quyết định trả lời:
“Muốn lấy 5 quả cam nguyên vẹn mà chia cho 6 người là một chuyện không tưởng. Do đó, nếu có thể thì trường hợp này chúng ta nên dùng các loại trái cây khác để thay thế. Nếu không, tôi sẽ sử dụng máy ép trái cây để ép hết 5 quả cam. Số nước được chia ra thành 6 ly thì mới bằng nhau được.”
Sau khi nghe câu trả lời này, người phỏng vấn không mấy hài lòng và hỏi tiếp:
“Vậy nếu trong 6 người, có người không thích uống nước ép thì sao?”.
Sau đó, họ ra hiệu cho người thứ hai tiếp tục trả lời.
Ứng viên thứ hai lại đưa ra một trả lời khác:
“Tôi sẽ cắt 5 quả cam thành 30 miếng tất cả, tức là mỗi quả 6 miếng. Như vậy, mỗi người có thể nhận được 5 miếng cam đều như nhau.”
Người phỏng vấn lại hỏi:
“Vậy bạn có đảm bảo tất cả các miếng cam mà mình cắt ra đều đặn tăm tắp y như nhau hay không?”.
Sau đó, họ tiếp tục ra hiệu đến lượt những ứng viên khác.
Ứng viên cuối cùng trả lời:
“Nếu là tôi, tôi chỉ cần gọt vỏ tất cả các quả cam, tách ra từng múi và xếp hết vào đĩa. Ai ăn nhiều thì lấy nhiều, ai ăn ít thì lấy ít, ai muốn ăn luôn hay mang đi ép cũng tùy ý họ. Đó là biện pháp nhanh nhất mà vừa lòng được tất cả mọi người vì họ sẽ tự mình làm chủ tất cả.”
Sau khi nghe câu trả lời đó, vị quản lý nhân sự khẽ cười. Mọi ứng viên suy ngẫm một chút cũng hiểu ra sự khôn ngoan ẩn giấu trong phương pháp đó. Vì mỗi người sẽ tự quyết định số lượng và cách thức sử dụng theo đúng ý mình, họ sẽ dễ dàng cảm thấy hài lòng hơn. Chưa kể, dù có điều gì không như ý, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ họ chứ không còn là do quyết định chia cam của anh ta nữa.
____
Nguồn: Sưu tầm
Ảnh: nguyencongthuc.com